Các lỗi thường gặp về câu
Tóm tắt bài học
1. Câu thiếu chủ ngữ
-
- Bằng loại chất liệu độc đáo và quý giá đã cho ta khẳng định rằng tranh sơn mài là một quốc họa của Việt Nam.
- Qua cuộc triển lãm tranh cổ động “Cả thế giới khát” làm chúng ta thấm thía hơn về việc tiết kiệm nước cũng như việc bảo vệ nguồn nước.
- Với nền nghệ thuật phong phú của dân tộc Khơ Me đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa VN.
Ba ví dụ trên đều nhầm trạng ngữ là chủ ngữ và đều có mô hình: Giới từ + ngữ danh từ + ngữ động từ
Chữa: Có hai cách:
Cách 1: Bỏ giới từ mới, dưới, qua, trước ở đầu 3 cầu
Cách 2: Xác lập một chủ ngữ thích hợp với ngữ động từ
(1) Bằng loại chất liệu độc đáo và quý giá, chúng ta có thể khẳng định rằng tranh sơn mài là một quốc họa của Việt Nam.
(2) Qua cuộc triển lãm tranh cổ động “Cả thế giới khát chúng ta thấm thía hơn về việc tiết kiệm nước cũng như việc ở vệ nguồn nước.
(3) Với nền nghệ thuật phong phú của mình, dân tộc Khơ Me đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa Việt Nam.
Sau đây là 1 ví dụ về lỗi: Thiếu C trong về hai của câu ghép.
(4) Vấn đề nổi cộm nhất là nguồn vật tư bị thiếu và là nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ sản xuất.
Chữa: Thêm chủ ngữ đó.
(4) Vấn đề nổi cộm nhất là nguồn vật tư bị thiếu và đó là nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ sản xuất.
2. Câu thiếu vị ngữ
VD:
(1) Hơn 1000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã sưu tầm từ năm 2004 đến nay.
(2) “Hạnh phúc”, điều mà bao đời nay con người chúng ta hằng mơ ước.
(3) Chị Võ Thị Thắng, người nữ sinh miền Nam mà quân thù đã từng kết án 20 năm tù.
Phân tích thành phần cấu để xác định loại lỗi
Các câu sai trên đều có kết cấu kiểu: (danh từ hoặc cụm danh từ + định ngữ) = chủ ngữ
Như vậy, chúng là những câu thiếu vị ngữ. Chữa lại:
* Nguyên nhân
Có lẽ người viết định viết một câu mà chủ ngữ là một cụm danh từ Hơn 1000 tài liệu, hiện vật hình ảnh; Chị Võ Thị Thắng và danh từ Hạnh phúc được xác định hay làm rõ nghĩa bằng một hay nhiều định ngữ đứng sau (mà bảo tàng Cách mạng đã sưu tầm từ năm 2004 đến nay ở câu (1); điều mà bao đời nay chúng ta hằng mơ ước ở câu (2); người nữ sinh miền Nam mà quân thù đã từng kết án 20 năm tù ở câu (3). Người viết có ý định viết câu có mô hình là: Danh từ (cụm danh từ) + Định ngữ + Vị ngữ, thế nhưng khi viết xong thành phần định ngữ, người viết đã lầm tưởng đó là vị ngữ.
* Chữa lại:
– Cách 1: thêm vị ngữ
(1) Hơn 1000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm từ năm 2004 đến nay đã được các nhà sử học đánh giá cao.
(2) “Hạnh phúc”, điều mà bao đời nay con người chúng ta hằng mơ ước, lại ở rất gần chúng ta.
(3) Chị Võ Thị Thắng, người nữ sinh miền Nam mà quân thù đã từng kết án 20 năm tù đã trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Cách 2: Câu (1) bỏ từ mà thay bằng đã được, cấu (2) và (3) bỏ dấu phẩy thay bằng từ là:
(1) Hơn 1000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh ấy đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm từ năm 2004 đến
(2) “Hạnh phúc” là điều mà bao đời nay con người chúng ta hằng mơ ước.
(3) Chị Võ Thị Thắng là người nữ sinh miền Nam mà quân thù đã từng kết án 20 năm tù.
3. Câu thiếu cả chủ lẫn vị
(1) Nhân sự kiện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ủng hộ chủ trương trình Chính phủ cho phép lập dự án mở rộng khu Di tích Yên Tử.
(2) Khi bàn về tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm của phụ nữ ta ở miền Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại cứu nước.
(3) Từ khi được đặt chân vào công trường đại học, nơi mà từ nhỏ tôi chỉ nghe mà chưa một lần được thấy, hôm nay tận nơi đã trông thấy.
(4) Biết rõ nhược điểm của mình khi nói chuyện, lúc viết văn không đủ từ để diễn đạt ý khi nói, văn chương vụng về thô thiển.
* Phân tích thành phần cấu để xác định loại lỗi
Các câu trên đều mới chỉ có thành phần phụ, chưa có chủ và vị ngữ.
* Nguyên nhân
Trước khi viết một câu trong tiềm thức người viết chưa kịp hình thành một nòng cốt câu, do đó họ ít bị chi phối bởi các ý, các vế trong thành phần phụ. Ngoài ra cũng khó có thể bỏ qua đi khả năng người viết chấm theo thói quen mà thiếu quan tâm đến cái khúc đoạn vừa tạo ra ấy đã đủ thành phần câu chưa. Và trong trường hợp này thì câu tiếp theo rất có thể chính là chủ ngữ và vị ngữ cần có.
* Cách chữa
Nếu trong tình huống hợp lí và câu bị sai do nguyên nhân thứ hai như vừa trình bày ở trên, ta chỉ cần làm một việc thật đơn giản là ghép hai câu thành một câu, nghĩa là thay dấu chấm bằng dấu phẩy.
Còn với một câu độc lập với ngữ cảnh đã cho trên, chỉ có một cách chữa có tính thuyết phục là thêm chủ ngữ và vị ngữ.
Chữa: Có 2 cách
Cách 1: Thêm C và V
(1) Nhân sự kiện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ủng hộ chủ trương trình Chính phủ cho phép lập dự án mở rộng khu Di tích Yên Tử, Sở Du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai dự án.
(2) Khi bàn về tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm của phụ nữ ta ở miền Nam trong công cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước, Bác Hồ đã bày tỏ lòng khâm phục và yêu mến họ.
(3) Từ khi được bước chân vào giảng đường đại học, nơi mà từ nhỏ tôi chỉ nghe mà chưa một lần thấy, hôm nay tận mắt đã trông thấy, tôi nghe xao xuyến trong lòng.
(4) Biết rõ nhược điểm của mình khi nói chuyện, lúc viết văn – không đủ từ để diễn đạt ý khi nói, văn chương vụng về thô thiển khi viết – tôi cố gắng rèn luyện thật nhiều.
Cách 2: Bỏ giới từ hoặc vừa bỏ giới từ vừa thêm vào trước đó một chủ ngữ:
(1) Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ủng hộ chủ trương trình chính phủ cho phép lập dự án mở rộng khu Di tích Yên Tử.
(2) Đảng và Bác đã bàn nhiều về tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm của phụ nữ ta ở miền Nam trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
(3) Tôi đã được đặt chân vào giảng đường đại học, nơi mà từ nhỏ tôi chỉ nghe mà chưa một lần được thấy, hôm nay tận mắt đã trông thấy.
(4) Tôi biết rõ những nhược điểm của mình khi nói chuyện, lúc viết văn: không đủ từ để diễn đạt ý khi nói, văn chương vụng về thô thiển khi viết.
Câu sai:
(5) Ai cũng sẽ phải chết nhưng với một nhà thơ yêu cuộc đời, yêu sự sống, yêu tình yêu, tuổi trẻ, yêu thơ ca, yêu bè bạn như vậy, giờ đây đã thành người của thế giới khác rồi.
Lỗi: Thiếu cả C và V trong một vế của câu ghép
Nguyên nhân: Chỗ sai bắt đầu từ vế thứ hai nhưng “với một nhà thơ” không thể là chủ ngữ vì có chữ với. Và những định ngữ cho nhà thơ đều là những cụm động từ nên người viết nhầm đó là chủ ngữ.
* Chữa lại:
Bỏ từ với, diễn đạt lại cụm từ giờ đây đã trở thành người chia thế giới khác rồi cho đỡ tối nghĩa và thêm vị ngữ vào sau định ngữ. Ta có:
(5) Ai cũng sẽ phải chết nhưng một nhà thơ yêu cuộc đời, yêu sự sống, yêu tình yêu, tuổi trẻ, yêu thơ ca, yêu bè bạn như vậy mà đã mất sớm thì thật đáng tiếc.
4. Thiếu bổ ngữ bắt buộc
Ví dụ các câu sai:
(1) UBND tỉnh Quảng Ninh cần đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua để rút ra những điểm cần bổ sung cho Quy hoạch tổng thể và phát triển di tích Yên Tử trong thời gian tới.
(2) Biết mình đã vi phạm, anh bèn nộp tiền phạt.
(3) Nghe tin gia đình định tổ chức vào cuối tháng này và đã viết thư xin cơ quan cho anh về phép, anh rất phân vân.
Động từ thực hiện, vi phạm và động từ tổ chức là 3 động từ ngoại động đòi hỏi phải có bổ ngữ đi kèm. Phải chữa lại:
(1) UBND tỉnh Quảng Ninh cần đánh giá kết quả thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Yên Tử trong thời gian qua để rút ra những điểm cần bổ sung cho Quy hoạch tổng thể và phát triển di tích Yên Tử trong thời gian tới.
(2) Biết mình đã vi phạm luật giao thông, anh bèn nộp tiền phạt.
(3) Nghe tin gia đình định tổ chức lễ cưới vào cuối tháng này và đã viết thư xin cơ quan cho anh về phép, anh rất phân vân.
5. Thiếu một vế ở câu ghép
Ví dụ các câu sai:
(1) Tuy mù lòa giữa tuổi thanh niên trong những ngày nước sôi lửa bỏng của đất nước.
(2) Ngoài những câu ca dao chống phong kiến áp bức bóc lột: Con ơi nhớ lấy câu này/Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, “Vạn niên là Vạn Niên nào/Thành xây xương lính hào đào máu dân”.
(3) Ông tuy xấu mã, người lùn và to ngang, đó là dáng điệu của gấu.
Nguyên nhân sai: do mở rộng về 1 nên quên mất vế 2. Đã có tuy thì phải có nhưng, có ngoài những thì phải có mà còn hoặc còn có, Chữa lại:
(1) Tuy mù lòa giữa tuổi thanh niên trong những ngày nước sôi lửa bỏng của đất nước nhưng Nguyễn Đình Chiểu về không nản chí.
(2) Ngoài những câu ca dao chống phong kiến áp bức bóc lột… còn có những câu nói về tình yêu đôi lứa: “Đôi ta như thế con tằm /Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong”, “Tình anh như nước dâng cao/Tình em như dải lụa đào tẩm hương”.
6. Dùng nhầm các cặp quan hệ từ
Ví dụ các câu sau:
(1) Với đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế cho nên người thợ trẻ đã tạo ra được sản phẩm mành trúc có giá trị.
(2) Để đáp lại lời kêu gọi của tổ quốc, cho nên hàng ngàn thanh niên đã lên đường nhập ngũ.
(3) Dưới áp lực của dư luận cho nên họ buộc phải nói ra sự thật.
* Lỗi: Từ cho nên là từ chỉ kết quả và đi cùng cặp với từ chỉ nguyên nhân như: vì, do, bởi, tại, nhờ… chứ không đi cùng cặp với từ để, dưới, với.
* Chữa lại:
(1) Nhờ đôi bàn tay…
(2) Vì đáp lại lời kêu gọi…
(3) Do áp lực của dư luận…
7. Đặt sai vị trí của định ngữ
VD:
(1) Vôn te là một trong những nhà văn ở châu Âu thế kỉ XVIII tiến bộ nhất.
Định ngữ luôn đi sau danh từ đứng ngay trước nó. Nhưng ở câu trên định ngữ tiến bộ nhất phải là định ngữ của nhà văn, vì nếu nói thế kỉ XVIII tiến bộ nhất thì là phi lí.
(2) Nguyễn Ngọc Phan là Trần Tuấn Anh một thời trai trẻ.
* (Nguyễn Ngọc Phan và Trần Tuấn Anh đều là hai tuyển thủ bóng bàn của Việt Nam thập kỉ 80 của thế kỉ XX. Thực tế Nguyễn Ngọc Phan nhiều tuổi hơn Trần Tuấn Anh và là thầy dạy của Tuấn Anh. Câu này ý muốn so sánh là hồi trẻ Nguyễn Ngọc Phan cũng tài năng như Trần Tuấn Anh bây giờ. Viết như trên thì một thời trai trẻ sẽ là định ngữ của Trần Tuấn Anh, mà như vậy thì Tuấn Anh nhiều tuổi hơn Nguyễn Ngọc Phan, và như vậy là không đúng thực tế. Một thời trai trẻ phải là định ngữ của Nguyễn Ngọc Phan.
* Chữa lại:
Cách 1: Nguyễn Ngọc Phan một thời trai trẻ chính là Trần Tuấn Anh hôm nay.
Cách 2: Trần Tuấn Anh là Nguyễn Ngọc Phan một thời trai trẻ.
Trong 2 cách chữa trên, ta chọn cách chữa thứ nhất vì cách chữa thứ 2 âm điệu câu văn tuy có hay hơn nhưng khi Trần Tuấn Anh được đưa lên đầu thì chủ đề câu nói đã bị thay đổi.
8. Thể hiện sai quan hệ ngữ nghĩa giữa các bộ phận trong câu
(1) Mắt đăm đăm nhìn ra cửa bể, ta thấy Kiểu dõi theo cánh buồm thấp thoáng mà nghĩ đến sự cô đơn của mình.
Đọc câu này, ta có thể hiểu: kẻ đăm đăm nhìn ra cửa bể và nghĩ đến sự cô đơn của mình ở đây là ta chứ không phải nàng Kiều như ý của người viết muốn nói.
Chữa: bỏ ta thấy.
(2) Tuy chị Út Tịch thương yêu chồng con, đồng bào, đồng chí rất sâu sắc, nhưng chị rất căm thù bọn giặc bán nước và cướp nước.
Nhận xét: “Chị thương yêu chồng con, đồng bào đồng chí rất sâu sắc” và “chị căm thù bọn giặc bán nước và cướp nước” không hề tương phản nhau, mâu thuẫn nhau mà dường như chúng là biểu hiện của cùng một trạng thái tình cảm hoặc một thái độ. Có thể coi chúng là thống nhất.
* Chữa lại:
Nếu muốn biểu hiện quan hệ tương phản:
Tuy chị Út Tịch là một con người giàu lòng yêu thương, yêu thương sâu sắc chồng con, đồng bào, đồng chí nhưng chị cũng rất giàu lòng căm thù, căm thù bọn giặc bán nước và cướp nước.
Nếu muốn biểu thị quan hệ tăng tiến:
Chị Út Tịch càng thương yêu chồng con, đồng bào, đồng chí sâu sắc bao nhiêu thì chị càng căm thù bọn giặc bán nước và cướp nước bấy nhiêu.
(3) – Suối này là suối gì ạ?
– Suối Binh Man.
– Tên hay nhỉ, nghĩa là gì hở bác?
Tôi không biết nhưng mỗi lần lặn xuống suối, chỗ hòn đá kia kìa, thế nào tôi cũng nhớ vợ tôi.
* Cô gái hỏi ông già về nghĩa từ Binh Man, ông già trả lời không biết nhưng có lẽ thấy áy náy nên ông nói thêm một ý là tuy tôi không biết nghĩa Binh Man nhưng con suối này có rất nhiều kỉ niệm của tôi với người vợ đã mất, ông già thể hiện tình cảm của mình với người vợ mà ông rất mực thương yêu. Tuy nhiên câu trả lời của ông đã dùng sai cặp từ nguyên nhân – kết quả: “mỗi lần – thế nào” nên câu văn nghe như là châm biếm. Người ta chỉ dùng “mỗi lần- thế nào” để thể hiện ý chủ động.
VD: Mỗi lần về quê, thế nào tôi cũng mua quà cho mẹ. Hoặc: Mỗi lần ra chợ, thế nào tôi cũng ăn bún ốc của thím Tư.
Giấc mơ và nỗi nhớ là vô thức nên không thể chủ động được. Không thể điều khiển giấc mơ và nỗi nhớ bằng sự chủ động.
Chẳng hạn, không thể bảo: Mai thi môn Tiếng Việt, tối nay mình phải mơ một giấc mơ hay hay một tí, đầu ơi, mở đi, mơ được 9 điểm nhé.
Trong tiếng Việt có những cặp từ: Hễ A là B, mỗi lần A lại B, mỗi lần A là một lần B, cứ A là B để hiển thị quan hệ nhân – quả. Vậy theo đúng lô-gic, dòng suối là nguyên nhân gây ra nỗi nhớ vợ của ông già, do đó thể dùng cặp từ: mỗi lần A là lại B để chữa lại:
… mỗi lần lặn xuống suối là tôi lại nhớ đến vợ tôi.
9. Câu sai lô gíc
Các thí dụ:
(1) Trường Đại học Văn hóa Tp. HCM sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các trường đại học toàn quốc nói chung là đối với các Trường Văn hóa Nghệ thuật phía nam và khu vực ASEAN nói riêng. (Tạp chí)
(2) Công tác huấn luyện thể dục thể thao trong thanh thiếu niên nói chung và trong bóng đá nói riêng đã được tiến hành ở nhiều địa phương.
* Sai phạm trù cũng là sai lô gíc. Nói chung và nói riêng phải cùng phạm trù, cái chung bao hàm cái riêng, cái riêng nằm trong cái chung. Toàn quốc (nước Việt Nam) nói chung không thể bao hàm được khu vực ASEAN nói riêng, thanh thiếu niên và bóng đá là hai phạm trù khác nhau. Nếu thanh thiếu niên nói chung thì sinh viên nói riêng, nếu bóng đá nói riêng thì thể dục thể thao sẽ là nói chung. Sai phạm trù cũng là sai lôgíc.
* Chữa lại:
VD (1) bỏ cụm từ khu vực ASEAN
VD (2):
Cách 1: Công tác huấn luyện thể dục thể thao trong thanh thiếu niên nói chung và trong sinh viên nói riêng đã được tiến hành ở nhiều địa phương.
Cách 2: Công tác huấn luyện thể dục thể thao nói chung và bóng đá nói riêng trong thanh thiếu niên đã được tiến hành nhiều địa phương.
(3) Ở châu Úc, diện tích ngô giảm một nửa nhưng năng suất lại tăng gấp đôi, tổng sản lượng nhờ thế tăng gần gấp đôi.
* Lỗi: Sai thực tế cũng là sai lôgíc.
* Chữa lại: Ở châu Úc, diện tích ngô giảm một nửa nhưng năng suất lại tăng gấp đôi, tổng sản lượng nhờ thế vẫn giữ nguyên.
(4) Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều.
* Lỗi: Thực tế, người ta phải nằm xuống rồi mới úp nón.
* Chữa lại: Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt,…
10. Câu sai quy chiếu
Đó là loại câu mà khi người viết định nói A thì người đọc lại hiểu là anh ta nói B. Ví dụ:
(1) Với bản chất kinh doanh không lành mạnh, ngày 12/6/2005, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàn Kiếm đã phát hiện nhà hàng Chiều Tím sử dụng sai trái 12 lao động.
(2) Là bạn đọc thường xuyên của báo Văn hóa, những năm qua báo này đã cung cấp cho tôi nhiều kiến thức bổ ích.
(3) Vừa chạy tới nơi, mũ nó đã bay mất.
(4) Sau khi trúng tuyển vào Đại học Văn hóa, ba mẹ đã thưởng cho nó một chiếc xe máy.
(5) Từ ngày đến dạy ở trường này, các sinh viên đều làm tôi hài lòng.
* Trong cấu tạo câu có một nguyên tắc là: Chủ thể của hành động, trạng thái, tính chất được nêu trong thành phần phụ (trạng ngữ) bao giờ cũng phải đồng thời là chủ thể được thể hiện trong chủ ngữ của cậu. Như vậy, trong câu 1), người đọc sẽ hiểu là Đoàn kiểm tra liên ngành kinh doanh không lành mạnh. Câu (2) sẽ hiểu là báo Văn hóa là bạn đọc thường xuyên của chính nó…
* Chữa lại:
(1) Với bản chất kinh doanh không lành mạnh, nhà hàng Chiều Tím đã sử dụng sai 12 lao động và ngày 12-6-2005 đã bị Đoàn Kiểm tra liên ngành Quận Hoàn Kiếm phát hiện.
(2) Là bạn đọc thường xuyên của báo Văn hóa, những năm qua tôi đã được báo này cung cấp nhiều kiến thức bổ ích.
(3) Vừa chạy tới nơi, nó đã bị bay mất mũ.
(4) Sau khi trúng tuyển vào Đại học Văn hóa, nó đã được ba mẹ thưởng cho một chiếc xe gắn máy.
(5) Từ ngày đến dạy ở trường này, tôi rất hài lòng về các sinh viên.
11. Câu mơ hồ
Là câu có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ:
(1) Tôi thương vợ anh như anh.
Câu này có thể được hiểu là:
– Tôi thương vợ anh như anh thương vợ anh
– Tôi thương vợ anh như tôi thương anh.
(2) Đây là vị thuốc duy nhất có thể chữa lành bệnh suyễn của bà.
* Câu này có thể được hiểu là:
Bà có thể hiểu là bà lang chuyên chữa bệnh hen suyễn hoặc bà này chính là bệnh nhân bị hen suyễn.
* Chữa lại:
– Đây là vị thuốc duy nhất có thể chữa lành bệnh suyễn cho bà.
– Đây là vị thuốc duy nhất của bà có thể chữa lành bệnh suyễn.
(3) Sau đó chị Thiêm sinh một đứa con được 7 tháng thì chết.
* Lỗi: Câu này có thể được hiểu là: chị chết hoặc đứa con chết.
* Chữa lại:
Sau đó chi Thiêm sinh một đứa con được 7 tháng thì nó chết.
Sau đó chị Thiêm sinh một đứa con được 7 tháng thì chị chết.
Nguồn: Sách “Tiếng Việt thực hành” (giáo trình dành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối trường nghiệp vụ văn hoá, nghệ thuật và du lịch), tác giả Hoàng Kim Ngọc, NXB Văn hoá Thông tin, in xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2009.