Các yêu cầu của việc dùng từ
Tóm tắt bài học
1. Dùng từ phải đúng âm thanh
Từ là đơn vị hai mặt: âm thanh và ý nghĩa. Hai mặt này đều được cộng đồng nghiên cứu quy ước và chấp nhận. Vì vậy, khi sử dụng từ ngữ, chúng ta phải bảo đảm đúng về âm thanh của từ được xã hội công nhận. Viết không ghi lại đúng âm thanh sẽ làm người đọc không hiểu hoặc hiểu sai nội dung câu nói.
VD: Trong chương trình “Hành trình văn hoá”, người dẫn chương trình đã đọc cụm từ “Thiên Nam đệ nhất động” là “Thiên hạ đệ nhất động” (khi hình ảnh minh họa cứ quay đi quay lại vòm hang có bốn chữ Sơn thuỷ hữu tình). Như vậy là nhầm âm thiên nam thành thiên hạ và tất nhiên cũng sẽ sai nghĩa.
Cần phân biệt các trường hợp sau:
Bàng quang | Bàng quan |
(Một bộ phận của cơ thể để bài tiết) | (Thái độ thờ ơ đứng ngoài cuộc) |
Khuyến mại | Khuyến mãi |
(Khuyến khích người bán) | (Khuyến khích người mua) |
Tuýp | Típ |
(Dạng hình ống) | (Kiểu, mẫu) |
Phong phanh | Phong thanh |
(Mặc ít, mong manh, không đủ ấm) | (Thoáng nghe được – tiếng gió) |
Tình túy | Tinh tú |
(Phần thuần khiết và quí báu nhất) | (Sao trên trời) |
Đạt | Đoạt |
(Thu được kết quả tốt) | (Chiếm được, giành lấy) |
Thăm quan | Tham quan |
(Vô nghĩa) | (Xem thấy tận mắt để mở rộng hiểu biết) |
Trìu tượng | Trừu tượng |
(Vô nghĩa) | (Không cụ thể) |
Tri thức | Trí thức |
(Sự hiểu biết) | (Những người lao động bằng trí óc) |
2. Dùng từ phải đúng ý nghĩa
Ý nghĩa của từ là một trong hai mặt của từ, được cộng đồng xã hội thừa nhận và sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Thông thường các ý nghĩa này được ghi trong các từ điển giải thích. Khi sử dụng từ ngữ cần đảm bảo đúng các mặt sau:
* Chỉ đúng hiện thực khách quan (sự vật, hành động, tính chất) cần nói tới. Nếu chỉ không đúng hiện thực khách quan thể dẫn đến bi kịch. Chẳng hạn, truyện Người thiếu phụ Nam Xương là một điển hình.
* Biểu thị đúng khái niệm cần diễn đạt
VD1: Các đạo diễn đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong các phim phẩm của Hollywood. (Báo)
Lỗi: Người ta dùng thi phẩm (để nói về thơ), nhạc phẩm (để nói tới một sáng tác âm nhạc), kịch phẩm (để nói về một vở diễn)… nhưng không có từ phim phẩm. Nếu nói “sản phẩm điện ảnh Holywoot” thì được, chứ phim phẩm là cách nói tắt và ghép rất khó thuận.
VD2: Cứ cho là sự ứng xử như trên phù hợp với xu thế của xã hội ngày nay, nhưng không nên cho đó là giải pháp duy nhất, là cứu cánh của nghệ thuật. (Tạp chí)
Cứu cánh là từ Hán Việt có nghĩa là mục đích cuối cùng, ở đây người viết dùng với nghĩa cứu giúp là sai.
VD3: Chúng ta hãy So sánh và phân tích một số từ ngữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cân nhắc, lựa chọn trong bản thảo Di chúc.
Trong bản thảo, Bác viết:
“Tôi có ý định đến ngày đó sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào cán bộ, kế đó tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm viếng và cảm ơn các nước anh em…“
Bản chính thức, Bác sửa lại:
“Tôi có ý định đến ngày đó sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào cán bộ… Kế đó tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em“
Không phải ngẫu nhiên mà Bác thay:
Thăm hỏi – chúc mừng
Thăm viếng – thăm
Nếu dùng thăm hỏi thì có hàm ý động viên, an ủi người được thăm hỏi. Chẳng hạn: Thăm hỏi gia đình nạn nhân, Thăm hỏi đồng bào bị bão lụt ở miền Trung. Trong câu của Bác, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng, đánh đổ Đế quốc Mĩ, Bắc Nam thống nhất một nhà, đó là niềm vui cần phải được chúc mừng chứ không phải an ủi.
Còn từ ghép thăm viếng lại có yếu tố viếng chỉ các sự kiện liên quan đến người chết. VD: viếng mộ liệt sĩ, viếng mộ tổ tiên. Trong trường hợp cụ thể này, Bác đến các nước anh em để cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình đã giúp ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Như vậy, Bác dùng từ thăm là chính xác, diễn tả đúng hoạt động cần nói đến.
VD2: Hãy thử phát hiện lỗi dùng từ không đúng nghĩa trong câu văn được trích trong một tờ báo sau đây:
“Nhiều người dân trong thành phố sử dụng phế thải không hợp lí như tự tiện vứt rác ra ao hồ.”.
Câu trên dùng sai 4 từ đều là từ Hán Việt.
Sử dụng: “Đem dùng vào một mục đích nào đó” (từ điển), vất rác ra ao hồ không phải là dùng vào một mục đích nào, do đó không thể gọi là sử dụng.
Sử dụng phế thải: hai từ này kết hợp không đúng ngữ pháp vì phế thải là động từ không thể đóng vai trò bổ ngữ cho động từ sử dụng được. Ta chỉ có thể nói: sử dụng chất phế thải (vì chất phế thải là một cụm danh từ mới kết hợp với động từ sử dụng). Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này cũng không thể dùng được cụm từ sử dụng chất phế thải.
Hợp lí: “đúng lẽ phải, đúng với lôgic của sự vật”.
Vất rác bừa bãi ra ao hồ là hành động phá hoại môi trường có thể bị xử phạt, chứ không đơn giản là chuyện hợp lí hay không hợp lí nữa.
Tự tiện: “theo ý thích của mình, không xin phép, không hỏi ai cả”. Ví dụ: tự tiện lục sách của bạn. Nhưng đối với một hành động mà ở nhiều nước cho là phạm pháp như vứt rác ra ao hồ thì vấn đề không phải là xin phép ai hay không. Có lẽ ở đây, người viết muốn dùng một từ ngữ gần âm gần nghĩa với tự tiện là tuỳ tiện (tiện đầu làm đó, không có nguyên tắc nào cả).
* Phản ánh đúng thái độ, tình cảm của người biết, người nói
VD: Xét các từ xưng hô của chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn
(NTT):
“Chị Dậu xám mặt vội vàng đặt con bé xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn (người nhà lí trưởng):
– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho.
– Tha này, tha này!
Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng chống cự lại:
– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!
Cai lệ tát vào mặt chị Dậu một cái đánh bốp, rồi cứ thế nhảy vào cạnh anh Dậu. Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
– Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”
Trong ví dụ trên, ta thấy ba từ xưng hô (cháu, tôi, bà) được dùng đều chỉ ngôi thứ nhất, số ít chị Dậu). Nhưng với mỗi lần được lựa chọn, từ xưng hô lại cho thấy những nét nghĩa khác nhau và cho thấy cái tư thế, thái độ rất khác nhau của người sử dụng.
3. Dùng từ hợp phong cách
* Dùng từ đúng thể loại văn bản
Mỗi phong cách chức năng có những yêu cầu riêng trong việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ. Trong từ, đại đa số các từ đều là từ đa phong cách (được sử dụng trong nhiều phong cách) nhưng có một số từ chuyên dụng cho một hoặc một số thể loại văn bản nhất định. Chẳng hạn những từ hốc, chén, tọng, ngoèo, biết tay, bỏ đời, chết cha… chỉ dùng trong phong cách khẩu ngữ. Trong văn bản hành chính thường có lớp từ ngữ có tính khuôn mẫu và trang trọng. VD: nay quyết định, căn cứ vào, ban hành, có hiệu lực, trân trọng đề nghị, nghiêm cấm, loại trừ, loại bỏ…
Văn bản khoa học lại có yêu cầu dùng nhiều thuật ngữ tương ứng với các ngành khoa học nhất định.
Chúng ta thử nhận xét cách dùng từ ngữ trong lá đơn sau đây:
Công ty chúng tôi xin phiền các anh ở quý sở giúp giải quyết cho ngay vấn đề đấu đá ở công ti. Được như thế, chúng tôi rất lấy làm cảm ơn.
Các câu trên thuộc văn bản hành chính nhưng đã sử dụng quá nhiều từ khẩu ngữ, nên thay lại như sau:
Xin phiền = đề nghị
Các anh = các đồng chí lãnh đạo
Giúp giải quyết cho ngay = sớm giải quyết
Đấu đá ở công ti = mâu thuẫn nội bộ
Được như thế chúng tôi rất lấy làm cảm ơn = Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Đây là những câu trong một bài văn nghị luận:
“Vì sao cô gái đã có con lại nói dối chàng trai là mình hãy còn son? Có thể đấy là đứa con cô chửa hoang hoặc chửa với người mà cô không yêu nên cô không thừa nhận nó.”
Những từ chửa hoang, chửa là những từ thường dùng trong khẩu ngữ không phù hợp với văn viết. Có thể chữa:
“Vì sao cô gái đã có con lại nói dối chàng trai là mình hãy còn son? Có thể đứa con đó không phải là kết quả của tình yêu nên cô không thừa nhận nó.“
Ngược lại với hiện tượng trên, có những tác phẩm văn học tả các nhân vật nói chuyện với nhau (thuộc phong cách khẩu ngữ) mà lời lẽ lại trang trọng như đang phát biểu trong hội nghị hoặc óng ả như đang làm thơ. Đó cũng là lỗi. Vì nói như viết nghĩa là không biết nói và viết như nói nghĩa là không biết viết.
Chúng ta thử đọc lại vài câu trong tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, áng văn chương lãng mạn sầu cảm đầu thế kỉ:
“Anh thiết tưởng em có thể được hưởng cuộc đời rất êm ái, nào cửa nào nhà, nào con nào cái, sớm trưa xum họp gia đình cùng ai âu yếm suốt trăm năm, như gấm như tranh, như vườn đào mùa xuân, như hồ sen mùa hạ, có phải một đời khỏi nỗi chơ cơ không?”
“Ta đã nói câu gì thì ta không quên, ta không quên gì ta là người chung tình, ta là người chung tình nên ta buồn, ta buồn ai có biết chăng, ta vui ta chỉ mong rằng ai vui”.
Đó là những lời lẽ của chàng Đạm Thuỷ nói với người yêu trong một bức thư. Nhược điểm trong tiểu thuyết của “Tự lực văn đoàn” là không có ngôn ngữ nhân vật, tất cả các nhân vật đều nói một giọng say sưa, mơ màng, kiểu cách. Đó cũng chính là hạn chế của ngôn ngữ nhân vật thuộc dòng văn học lãng mạn nước ta đầu thế kỉ XX.
Xét tiếp ví dụ sau:
“Tôi chưa biết an ủi thế nào, cậu ta tiếp:
Có lẽ cháu sẽ chạy sang Đức, Pháp, Canađa. Ở mảnh đất nhốn nháo này, cháu chẳng còn gì duyên nợ.
Nhưng cháu còn người bà – cuối cùng tôi cất lời khuyên – người bà ngoại khổ đau và bất hạnh” (dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết)
Đây là mẫu đối thoại nên phải dùng từ ngữ sao cho phù hợp với văn nói. Nhưng các từ ngữ đánh dấu ở trên không hề “nói” tí nào mà mang đậm phong cách “viết”. Có thể chữa: “… ở cái nơi nhốn nháo này cháu chẳng còn gì mắc míu nữa cả”, “nhưng vẫn còn bà cơ mà”, “… bà ngoại cháu đã buôn khổ quá nhiều rồi cháu ạ”.
* Dùng từ phù hợp với văn cảnh, hoàn cảnh cụ thể
VD1:
Không nói | Cần nói |
+ Vợ cụ có nhà không ạ? | + Cụ bà… |
+ Phu nhân của bác có nhà… | + Bác gái… |
+ Tổng thống Bin Clinton và vợ… | +… và phu nhân. |
VD2: Con hổ dùng những cái vuốt sắc nhọn cào cào người vào mặt Viên, nhưng anh vẫn ráng sức quần nhau với chú hổ.
Nhân hóa là cách biểu thị tình cảm trìu mến đối với loài vật, người ta đã ví ngầm vật có điều gì giống với hình dáng, tính tình của con người: chị cào cào, chị gà mái, bác gấu, bác giun… Trong câu văn trên, gọi một con vật đang định xé xác mình để ăn thịt mà lại dùng từ âu yếm bằng chú là không phù hợp với hoàn cảnh.
* Dùng từ đúng tính cách nhân vật
Truyện Kiều là một mẫu mực về chuyện này. Chẳng hạn Mã Giám Sinh (sinh viên đại học) dù đã bị lưu manh hóa nhưng khi cần lừa đảo vẫn ăn nói theo phong cách của làng Nho:
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Ngôn ngữ của Tú Bà thì không giấu được nghề nghiệp bẩn thỉu của mẹ. Mẹ đã mắng gã chồng hờ Mã Giám Sinh khi hắn đã lừa Thuý Kiều để cướp đi sự trinh trắng của nàng và cũng chính là cái vốn liếng “ba trăm lạng” của mụ:
Thôi đà cướp sống của min đi rồi
Bảo rằng đi dạo lấy người
Đem về nước khách kiếm lời mà ăn
Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân
Buồn tình trước đã tồn mần thử chơi…
Và mụ cũng đã trút giận dữ xuống đầu Thuý Kiều:
Con kia đã bán cho ta
Nhập gia cứ phải phép nhà tao đây
Lão kia có giở bài bây
Chẳng băng vào mặt mà mày lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bê
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?
Nói đến Hồ Tôn Hiến – một ông quan lớn của triều đình thì Nguyễn Du dùng nhiều từ Hán Việt (lớp từ ngữ bác học quý tộc):
Có quan tổng đốc trọng thần
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài
Đẩy xe vâng chỉ đặc sai
Tiện nghi bát tiểu tiệc ngoài đổng nhung
Khi nói đến vãi Giác Duyên thì Nguyễn Du dùng ngôn ngữ nhà Phật:
Giác Duyên từ tiết giã nàng
Đeo bầu quẩy níp, rộng đường vân du
Gặp bà Tam hợp đạo cô…
Trong đoạn trích “Thuý Kiều báo ân báo oán”, ngôn ngữ của Thuý Kiều khi nói với Thúc Sinh và về Hoạn Thư là bằng hai giọng khác nhau:
+ Nàng nói với Thúc Sinh:
Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non
Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân…
Bốn câu thơ trên là lời lẽ của một vị phu nhân với những khái niệm đạo đức như chữ nghĩa, chữ tòng và những ngôn ngữ ước lệ như Sâm Thương (hai ngôi sao đông – tây: ý nói sự cách biệt) và “nghĩa trọng nghìn non”, thêm vào đó là cách lấy từ người cũ – cố nhân cùng cách đảo ngữ: “Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không?”, cộng với tiết tấu nhịp thơ đi rất chậm, ít có sự ngắt nhịp: Tất cả những điều đó khiến cho đoạn thơ trở nên êm đềm tha thiết. Những sự hài hòa nói trên khiến cho ngôn ngữ ước lệ kia đạt đến giá trị biểu hiện nhất định:
+ Nàng nói về Hoạn Thư:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.
Bốn câu thơ trên là lời lẽ của Thuý Kiều nói với Thúc Sinh nhưng là để nói về Hoạn Thư. Trừ những từ vay mượn như quỷ quái, tinh ma còn lại là những từ bình dân nôm na: Bà già kẻ cắp, kiến bò miệng chén. Câu nói của Thuý Kiều về Hoạn Thư thể hiện rõ cái triết lí nhân sinh mang tính quần chúng: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “Hòn đất ném đi, hòn chì quăng lại”. Từ ngữ với Thúc Sinh thì thiết tha âu yếm còn với Hoạn Thư thì ta thấy rằng Thuý Kiều cũng rất sắc sảo và … đanh đá. Hai khổ thơ trên có sự tương phản điệu tính: quý tộc – bình dân.
Có nhiều nhà văn khác đã đạt đến nghệ thuật, tạo được ấn tượng riêng của ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm của mình. Trong tiểu thuyết hiện thực, nhân vật đã có đời sống
riêng. VD, trong “Bỉ vỏ”, Nguyên Hồng đã nêu rõ đặc trưng ngôn ngữ của bọn ăn cắp trên tầu thời Pháp thuộc bằng những tiếng lóng.
Lưu ý: Trong nhiều trường hợp tác giả cố ý dùng từ lạc phong cách để tạo ra giá trị tu từ.
VD1: Nhân vật người chồng đã nói với vợ con như sau:
“Về vấn đề bánh chưng tết nhà ta năm nay, tôi phân công như sau: Mẹ nó chịu trách nhiệm phụ trách khâu gạo đỗ, Cái Tí trách khâu lá, còn tôi chịu trách nhiệm khâu gói và luộc…”
Lời nói trên có quá nhiều từ thuộc lĩnh vực quân sự hành chính nhưng có thể chấp nhận được. Tác giả muốn góp phần khắc họa tính cách nhân vật: ông này có tính gia trưởng, làm trong quân đội nhiều năm nên mắc bệnh nghề nghiệp.
VD2: Nhân vật Cóc trong Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài:
“Một Cóc khác bước ra, cất lên một giọng rất là văn vẻ (cóc vẫn nổi tiếng là thầy đồ, thầy đồ Cóc trong tranh tết):
– Hà cớ mà nhị vị du nhàn qua bản thân?
Rõ chán, nói chữ mà chưa chắc đã biết nghĩa, tôi bấm bụng nhịn cười thầy đồ Cóc. Rồi tôi cũng dùng cái giọng hoa mĩ khôi hài để đáp đùa lại:
– Thưa tiên sinh, chúng tôi đi du lịch.
– Kèng kẹc! Du lịch! Kèng kẹc! Du lịch! Vậy bị phu xin hỏi nhị vị tráng sĩ, nhị vị xưa rày là tay dọc ngang nào biết trên đầu có ai, thế thì chắc nhị vị phải nghe tiếng từ lâu rằng mặc dầu thanh bạch ở hang dưới đất nhưng bị phu là cậu thằng Trời đấy! Nhị vị đã qua chơi nhiều nơi trên hoàn cầu, nhị vị có gặp thằng cháu “trời đánh thánh vật” nhà tôi ở đâu không?”
Việc đặt vào cửa miệng cóc – dân cư xóm ếch nhái những từ ngữ Hán Việt mang màu sắc quý tộc bác học, cũng như việc dùng một ý tả Từ Hải trong Truyện Kiều bên cạnh những từ ngữ bình dân nôm na cho chúng ta thấy hình ảnh dốt hay nói chữ, kênh kiệu, kiểu cách rởm của các càng sống động hẳn lên.
VD3: Giấy “Chiệu tập” của lớp Ngữ Văn khóa 1983 – 1987 nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày ra trường (1997):
GIẤY “CHIỆU TẬP”
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ra trường, ban liên lạc (lâm thời) lớp Ngữ Văn khóa 1983 1987 tổ chức cuộc họp thân mật.
Địa điểm: 31 Hàn Thuyên – Hà Nội (Trụ sở Công ti TNHH Phúc Hưng)
Chương trình hoạt động
7h 30 đến 8h 00: Tụ tập tại 31 Hàn Thuyên
9h 00 đến 11h 00: Thăm khoa Ngữ văn và thầy cô chủ nhiệm.
Thăm Hà “lội” phố
11h 30 đến 15h00: Ăn trưa
Họp lớp
Sau 15h 30: Chia tay hoàng hôn
Vui mừng báo tin để bạn biết và thu xếp về dự cùng cả lớp. Khi đi nhờ “giắt lưng” 100.000d / người
Được phép kèm theo bầu đoàn “nhớn”, bé (trẻ bé miễn phí)
Các bạn ở xa có thể “ngủ thân mật” tại văn phòng Công ti Phúc Hưng.
Sự vắng mặt của bạn là điều khó được thông cảm!
Thay mặt Ban liên lạc:
Châu Diệu Kim Dung
Người viết đã cố ý dùng nhiều từ ngữ thuộc phong cách nói với mục đích tạo ra sự hài hước, đùa vui.
4. Tránh dùng từ ngữ quá lời
(Lưu ý: từ ngữ quá lời khác với biện pháp tu từ ngoa dụ).
VD1: “Được học đại học rồi tôi mới thấy những kiến thức đã có của mình là rỗng tuếch”.
Giá như người viết biết kìm nén, dừng lại ở việc thú nhận những kiến thức đã có của mình là quá ít ỏi, thì đó là biểu hiện của sự khiêm tốn, rất có tác dụng đề cao kiến thức ở đại học. Thế nhưng nhún nhường đến mức phủ định sạch trơn “rỗng tuếch” thì lại phản tác dụng vì nó quá vô lí.
Chữa lại: “Được học đại học rồi, tôi mới thấy những kiến thức của mình quả thực là ít ỏi”.
VD2: “Ở hiền gặp lành” là một chân lí bất di bất dịch.
“Ở hiền gặp lành” là một câu tục ngữ. Nó chỉ có tính kinh nghiệm chứ không phải là chân lí bất di bất dịch.
Chữa lại: Ở hiền gặp lành cho ta một kinh nghiệm sống thật là quý báu
VD3: “Chỉ có văn học mới có thể làm cho con người mở mang trí óc, hiểu được tường tận thế giới xung quanh, chỉ có văn học mới có thể sáng tạo ra một xã hội ngày càng hoàn thiện hơn, đẹp đẽ hơn.”
Suy tôn văn học, gán cho nó những chức năng mà nó không thể đảm đương một mình được, loại lỗi này cũng khá phổ biến.
Chữa lại: Văn học góp phần / có thể…
VD4: “Kỉ niệm nào đối với thầy cô cũng là cao cả, thiêng liêng và khó quên nhất”
Kỉ niệm với thầy cô có thể cao cả, thiêng liêng và khó quên hơn một số đối tượng khác nhưng chắc chắn không phải kỉ niệm nào cũng giành được cái vinh hạnh ấy.
Chữa lại: Kỉ niệm với thầy cô thật là cao cả và dường như là khó quên nhất.
5. Tránh dùng từ ngữ sáo rỗng
VD1: Vào trường đại học này, tôi sẽ đi tìm gặp tiếng nói của lương tâm.
Ở đây có lẽ người viết định diễn đạt ý: vào trường đại học tôi sẽ cố gắng rèn luyện phấn đấu để trở nên tốt hơn. “Tiếng nói của lương tâm” trong suy nghĩ của người viết dường như là một từ ngữ đẹp, kêu, có thể gây ấn tượng nhưng lại rất khó gò cho vừa với yêu cầu ngữ nghĩa của câu văn trên. Bởi lẽ, chỉ có người đánh mất lương tâm mới phải đi tìm tiếng nói của lương tâm. Còn một sinh viên thì không có lý do gì để phải đi tìm cái mà anh ta đang có.
VD2: Nhà văn Kim Lân còn rất mới mẻ và xa lạ đối với tôi, cho đến khi tôi đọc truyện ngắn “Vợ nhặt” của ông. Ôi! Hay! Hay lắm! Chẳng biết đã bao lần tôi thốt lên lời ấy.
Cảm thán từ “ôi” và những lời khen ngợi trực tiếp như kiểu xem hàng chợ: Hay? Hay lắm! dùng ở đây hoàn toàn không tìm được sự đồng cảm của người đọc. Hay nói khác đi, người đọc nghi ngờ lời ngợi khen. Muốn thuyết phục người đọc, người viết phải phân tích tác phẩm để dẫn dắt người đọc đến chỗ có cùng cảm xúc với mình.
VD3: Cảm ơn chiến tranh! Nhờ chiến tranh chúng ta mới có những anh hùng!
Đúng là có chiến tranh mới có những anh hùng, nhưng cũng chính chiến tranh đã đem đến cho dân tộc, cho mỗi gia đình, cho mỗi con người, không loại trừ cả người viết – những đau thương mất mát không thể bù đắp nổi. Vả lại, ngay cả việc trở thành anh hùng cũng là điều bất đắc dĩ. Cái giá của việc trở thành anh hùng là quá đắt. Vậy có nên cảm ơn cái đối tượng đem đến cho ta cái lợi chẳng thấm tháp gì so với cái hại? Người đọc sẽ có cảm giác người viết chỉ “cảm ơn” mà không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ cảm ơn.
VD4: Nông dân – hai tiếng ấy chứa đựng biết bao ý nghĩa.
Nếu nói hạnh phúc (hay tình yêu) – hai tiếng ấy chứa đựng biết bao ý nghĩa thì còn có thể chấp nhận được. Bởi lẽ mỗi khái niệm ấy là một ẩn số mà dù có sống hết cuộc đời, con người có khi cũng chưa tìm ra lời giải cuối cùng. Còn nông dân cũng như trí thức hay nghệ sĩ, hai tiếng ấy chỉ chứa đựng ý nghĩa nghề nghiệp hay một tầng lớp người mà thôi. Chữa lại: bỏ hẳn câu này hoặc thay từ nông dân bằng từ khác phù hợp hơn với nội dung câu nói.
6. Tránh dùng từ ngữ dư thừa và lặp lại
* Lặp từ do nghèo nàn về vốn từ
VD1: Người hướng dẫn viên phải biết động viên, chia sẻ với khách. Trong một số trường hợp, do điều kiện khách quan, đoàn khách có thể buồn chán bởi gặp điều không may mắn, thuận lợi thì hướng dẫn viên cần động viên, an ủi khéo, tránh tình trạng hướng dẫn viên lại khơi thêm sự buồn chán, thất vọng cho đoàn khách. (Bài viết của sinh viên khoa Du lịch).
Viên là người, cụm từ hướng dẫn viên và từ buồn chán được lặp lại đã gây cảm giác nặng nề. Chữa:
Trong một số trường hợp, do điều kiện khách quan, khách du lịch có thể buồn chán bởi gặp điều không may mắn thì hướng dẫn viên cần biết an ủi, chia sẻ, tránh tình trạng khơi thêm sự thất vọng cho họ.
VD2: Chính vì xuất hiện thú chơi cổ vật mà đã xuất hiện rất nhiều người chơi cổ vật, nhà sưu tập cổ vật, và lại xuất hiện rất nhiều các bảo tàng tư nhân, nhà sưu tập, nhà lưu niệm về một loại cổ vật nào đó. (Bài viết của sinh viên khoa Bảo tàng).
Chữa:
Thú chơi cổ vật đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều bảo tàng tư nhân và các nhà sưu tập đồ cổ.
* Thừa từ do dùng từ đồng nghĩa thuần Việt và Hán Việt, thuần Việt và Ấn Âu
VD:
– Chúc anh lên đường thượng lộ bình an!
– Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi.
– Đó là một phương án tối ưu nhất.
– Từ ngày lấy chồng vu quy, Liên không làm thơ nữa.
– Triển lãm EXPO 2006.
– Hiện nay liên minh châu Âu EU gồm 25 nước.
* Thừa từ do dùng nhiều từ không khác biệt về nội dung
– Từ tình yêu đơn phương không được đáp lại đã ngấm ngầm rực cháy sự thù tức ấm ức trong Dũng đối với Thuỷ.
– Trong khi cách đây 32 năm, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc mới chỉ đạt 100 triệu đô vào năm 1969.
+ Lưu ý: Cần phân biệt Lỗi lặp và Phép lặp
Lỗi lặp thể hiện sự nghèo nàn về vốn từ còn phép lặp là một biện pháp tu từ, có tác dụng biểu cảm, nhấn mạnh chủ đề, gây bất ngờ…
VD 1:
Mẹ mình khéo đẻ mình ra
Để mình mười bốn, đẻ ta ngày rằm
Mình đen ta cũng ngăm ngăm
Mình về ta gửi lời thăm mẹ mình.
(Ca dao)
Ba từ ta, sáu từ mình nhưng không phải là lỗi lặp. Từ mình đã được hiểu theo nhiều nghĩa: mình là bạn (người đang trò chuyện với mình), mình cũng là chúng ta, chúng mình, hai đứa mình. Chàng trai này thật khéo vơ vào.
VD 2:
CUỐI CÙNG EM ĐÃ…
Cuối cùng em đã lớn lên
Cuối cùng bấc đã khêu đèn sáng trăng
Cuối cùng thì lá cũng xanh
Rằng me chua chát xin đành chát chua
Cuối cùng hoa đã nở hoa
Cuối cùng trái ủ trong lò lên men
Cuối cùng gió đã mang tên
Rằng đem bão tố mà đến phong ba
Cuối cùng em đã đi qua
Cuối cùng cô cũng thành bờ tóc tiên
Cuối cùng giọt nắng bừng lên
Rằng chim còn biết hót tìm đến nhau
Cuối cùng em đã làm dâu
Cuối cùng anh lại đến sau… Cuối cùng…
(Nguyễn Trọng Văn)
Sự lặp lại từ cuối cùng 11 lần liên làm nổi bật cái ý tưởng cơ bản hoặc chính xác hơn là tình cảm vui mừng hớn hở trước kết quả của một quá trình phát triển (em đã lớn lên, bấc đã khêu, lá cũng xanh, hoa đã nở, trái ủ lên men, giọt nắng bừng lên, gió đã mang tên, em đã làm dâu). Cái ý tưởng được lặp lại nhiều lần như thế khiến người đọc dễ quen và dễ dự đoán rằng các câu sau của bài thơ cũng sẽ bắt đầu như thế với một nội dung như thế. Nhưng thật không ngờ vì hình thức biểu đạt không thay đổi mà nội dung thì đã khác. (Cuối cùng anh lại đến sau… Cuối cùng…) Anh lại đến sau nghĩa là anh chậm chân, bỏ lỡ cơ hội. Ba dấu chấm lửng nói lên nhiều điều nhưng chắc chắn không phải là những tình cảm phấn khởi như trước. Đây là thủ pháp dẫn dắt sự chờ đợi đến chỗ hụt hẫng, gây bất ngờ trong mạch trình bày – một trong những biện pháp tu từ nghệ thuật.
7. Dùng từ phải đúng quan hệ kết hợp về ngữ pháp và ngữ nghĩa
Từ là đơn vị tạo câu, khi tham gia vào câu, từ không chỉ có hình thức và ý nghĩa mà còn có những đặc điểm ngữ pháp nữa. Mỗi loại từ chỉ có khả năng kết hợp với một số loại nhất định. Đặc biệt trong tiếng Việt, một số từ chỉ có khả năng kết hợp rất hạn chế với một số từ ngữ nhất định. VD: những từ lườm, liếc, trợn, nhắm,… thường đi với mắt; vẫy, nắm… chỉ biểu thị hành động của tay Không nắm được khả năng kết hợp của từ cũng dẫn đến lỗi.
VD: – Niềm xót xa của người nông dân trong bài ca dao còn nhức nhối mãi lòng ta.
(Từ nỗi thường kết hợp với những từ mang ý nghĩa tiêu cực, từ niềm thường kết hợp với những từ mang ý nghĩa tích cực.
VD: nỗi đau đớn, niềm sung sướng, nỗi bất hạnh, niềm hạnh phúc; nỗi thất vọng, niềm hi vọng; nỗi buồn phiền, niềm vui sướng; nỗi nghi ngờ, niềm tin tưởng,…)
– Lập trường thuỷ chung -> tấm lòng thuỷ chung
– Lượng mưa kéo dài -> mùa mưa kéo dài.
Khi từ A kết hợp với từ B phải tương hợp về nghĩa.
Câu đúng: – Một con chó đốm
Câu sau: – Một con chó chết đang thở gấp.
* Từ đã, sẽ, đang chỉ kết hợp với động từ mà không kết hợp với danh từ
VD câu sai: Thủ môn Trần Văn Minh đã phản xạ kịp thời.
(Phản xạ là danh từ có nghĩa là sự đáp lại theo quy luật cơ thể với những kích thích bên ngoài và bên trong). Phải thay phản xạ bằng động từ phản ứng thì câu sẽ đúng.
* Số từ không kết hợp trực tiếp với danh từ tổng hợp
VD: Bên ta có một thương vong.
Phải chữa: Bên ta thương vong có một người.
Hoặc: Bên ta có một người bị thương.
* Kết hợp sai lôgic ngữ nghĩa
VD: Anh ấy đã chắp cánh cho tài năng của chị nở rộ
Chữa: Anh ấy đã chắp cánh cho tài năng của chị bay cao.
– Anh ấy đã vun trồng cho tài năng của chị nở rộ.
Câu sai: Quang Huy là một người đẹp trai và tỉ phú.
Từ và dùng để nối hai vế đồng đẳng với nhau về nghĩa, về từ loại nhưng cấu trên, ta thấy đẹp trai là tính từ còn tỉ phú là danh từ nên không thể tạo thành một cụm từ đẳng lập được. Vì vậy phải thay tỉ phú bằng giàu có.
– Hàng trăm người đến ngồi chật khoảng sân mênh mông của nhà truyền thống Vũng Tàu để nghe tin tức về “Ngày thơ Việt Nam”
Lỗi: Sân rộng mênh mông mà chỉ hàng trăm người ngồi sao đã chật?
Lưu ý: Có những kết hợp bất thường nhưng lại tạo ra giá tri tu từ.
VD:
– Nỗi sung sướng của thằng bé khốn nạn. (Nguyễn Công Hoan).
– Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng)
– Bi kịch lạc quan. (Tuốc-ghe-nhép)
– Âm thanh im lặng (Vũ Quần Phương)
– Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long)
– Bản đồng ca lặng ngắt (Nguyễn Tuân)
– Ngọt ngào và man trá (tên phim)
– Tình yêu hận thù
– Văn minh dã man, hạnh phúc đớn đau…
Đó là biện pháp tu từ nghịch ngữ: gây sự chú ý, tạo ấn tượng mạnh mẽ, đảo nghĩa của từ trong kết hợp.
Hoặc có những kết hợp bất thường như sau:
“Đời у sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê, rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả. Chết mà chưa sống. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã.” (Nam Cao)
Sống và chết ở đây không giữ nguyên cái nghĩa vốn có của nó nữa. Vậy cần phải hiểu từ sống trong kết hợp “chết mà chưa sống” này như thế nào? Sống ở đây chỉ là sự tồn tại mà thôi, sống mà như chưa sống hoặc không phải là sống, chỉ có một đời sống thực vật thôi.
Từ chết trong kết hợp từ “chết ngay trong lúc sống” nghĩa là chưa chết mà như chết rồi. Từ chết và sống không còn là nghĩa biểu vật hay biểu niệm bình thường của nó nữa mà là quan niệm về cái chết và cái sống trong cuộc đời con người.
Chính Nam Cao đã trình bày: “Làm để có ăn, ăn để sống, cả cuộc đời chỉ thu gọn vào bằng ấy việc thôi ư? Sống là để làm một cái gì đó đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một cái gì đó cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đầy cái dạ dày.”
Trong câu thơ: “Vài miếng đêm u uất lẫn trong cành” của Xuân Diệu, ta thấy trong các kết hợp thông thường có miếng thịt, miếng cơm, miếng bánh, miếng đất chứ chưa ai nói miếng đêm. Nghĩa lâm thời của ngữ cảnh này tạo ra sắc thái mới, gợi cảm giác mạnh khác thường rất rõ. Cũng như khi so sánh từ múc trong từ điển và trong ca dao: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng để đi? ta sẽ thấy từ múc canh, múc cháo… đến múc ánh trăng thì rõ là một sự sáng tạo độc đáo, sự thi vị hóa quang cảnh lao động: tát nước, múc nước, rồi múc ánh trăng đã làm cho sự miêu tả động hơn, sáng hơn cái bức tranh về cảnh vật và người lao động.
Nguồn: Sách “Tiếng Việt thực hành” (giáo trình dành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối trường nghiệp vụ văn hoá, nghệ thuật và du lịch), tác giả Hoàng Kim Ngọc, NXB Văn hoá Thông tin, in xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2009.