Quy tắc dùng dấu câu
Tóm tắt bài học
1. Các dấu câu dùng để kết thúc câu
Các dấu câu dùng để kết thúc câu là dấu chấm (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu ba chấm (…) phải viết DÍNH LIỀN với chữ cuối cùng của câu.
Ví dụ:
– Cách viết sai: Hôm nay bạn có vui không ? (dấu chấm hỏi (?) viết cách chữ “không” một khoảng trống)
– Cách viết đúng: Hôm nay bạn có vui không?(dấu chấm hỏi (?) viết sát chữ “không”)
Một số quy tắc riêng trong Content Marketing
– Không nên sử dụng dấu chấm câu ở tiêu đề lớn
– Các dấu kết thúc câu như: dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu ba chấm (…) nên cân nhắc khi sử dụng ở các tiêu đề trong bài viết (cả tiêu đề lớn và tiêu đề nhỏ)
Lưu ý: Nếu viết bài cho khách hàng/sếp thì nên tuân theo những quy tắc dùng dấu để kết thúc câu bên trên, còn nếu bạn viết bài cho bạn thì tuỳ bạn lựa chọn.
2. Các dấu câu dùng để ngăn cách giữa câu
Các dấu câu dùng để ngăn cách giữa câu là dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;) và dấu hai chấm (:) phải DÍNH LIỀN với vế trước của câu và CÁCH vế sau của câu một khoảng trống.
Ví dụ:
– Cách viết sai: Bạn đọc xong vế 1 , rồi đọc tới vế 2 (dấu phẩy (,) viết cách số “1” một khoảng trống)
– Cách viết đúng: Bạn đọc xong vế 1, rồi đọc tới vế 2 (dấu phẩy (,) viết sát số “1”)
3. Dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc kép
Dấu ngoặc đơn (( )) và dấu ngoặc kép (“ ”) được dùng để đánh dấu phần chú thích (giải thích, thuyết minh, bổ sung thêm). Khi viết, 2 dấu này phải DÍNH LIỀN với phần văn bản mà nó bao bọc.
Ví dụ:
– Cách viết sai:Khi quyền lực lên ngôi, người ta hỏi nhau “ Mày có biết tao là ai không?” (chữ “mày” viết cách dấu ngoặc kép (“ “) một khoảng trống)
– Cách viết đúng: Khi quyền lực lên ngôi, người ta hỏi nhau “Mày có biết tao là ai không?” (không có khoảng cách giữa dấu ngoặc kép (“ “) với chữ “mày”)
4. Dấu gạch ngang và dấu gạch nối
Dấu gạch nối (-) dùng để nối những thành tố đã được viết rời của từ đa tiết phiên âm như tên người, tên địa danh nước ngoài; đặt giữa các con số chỉ ngày tháng năm. Dấu gạch nối còn được gọi là dấu nối.
Không có khoảng cách giữa các từ được nối với nhau bằng dấu gạch nối.
Ví dụ:
– Cách viết sai: Mát – xcơ – va là thủ đô của nước Nga. (có khoảng cách giữa các từ trong phiên âm tiếng Việt của thủ đô nước Nga)
– Cách viết đúng: Mát-xcơ-va là thủ đô của nước Nga. (không có khoảng cách giữa các từ trong phiên âm tiếng Việt của thủ đô nước Nga)
Dấu gạch ngang (-), dài hơn dấu gạch nối dùng để tách thành phần chú thích thêm trong câu; viết ghép một tổ hợp hai hay nhiều tên riêng, hai hay nhiều số cụ thể; đặt ở đầu dòng nhằm viết các phần liệt kê, các lời đối thoại. Dấu gạch ngang còn được gọi là dấu ngang.
Có khoảng cách giữa từ trước và sau dấu gạch ngang.
Ví dụ:
– Cách viết sai: Hà Nội–Thủ đô của nước Việt Nam. (không có khoảng cách giữa chữ “Nội” và chữ “Thủ” với dấu gạch ngang)
– Cách viết đúng: Hà Nội – Thủ đô của nước Việt Nam. (có khoảng cách giữa chữ “Nội” và chữ “Thủ” với dấu gạch ngang)
5. Chỉ sử dụng duy nhất 1 dấu cách giữa 2 từ
– Cách viết sai: Mùa đông miền Bắc rất lạnh! (có 2 dấu cách giữa miền và Bắc)
– Cách viết đúng: Mùa đông miền Bắc rất lạnh! (giữa các từ trong câu chỉ có 1 cách )
6. Không dùng dấu câu tuỳ tiện khi chưa hết ý, cắt đôi câu ra một cách vô lý
Ví dụ:
– Cách viết sai: Buổi sáng, trên những cành cây ngọn cỏ. Sương long lanh như những hạt ngọc.
– Cách viết đúng: Buổi sáng trên những cành cây ngọn cỏ, sương long lanh như những hạt ngọc.
Nguồn: Trangchihere tổng hợp và biên tập