So sánh nội dung của Quảng cáo – Marketing – Truyền thông
Tóm tắt bài học
1. Tại sao cần so sánh nội dung Marketing với 2 lĩnh vực còn lại?
Mình tin rằng, “Quảng cáo”, “Marketing”, “Truyền thông” là 3 từ không còn xa lạ với bạn nữa. Nhưng bạn có hiểu 3 lĩnh vực này làm gì không? Bạn có biết nội dung của 3 lĩnh vực này giống và khác nhau như nào không? Đến thời điểm này, mình chưa gặp ai trả lời đúng 2 câu hỏi kia cả. Dù hơi thất vọng 1 chút nhưng không sao, đó là lý do mình có bài giảng này.
Có rất nhiều lý do để bạn cần phải thực hiện việc so sánh này. Dưới đây là những lý do mà mình thấy rất chính đáng:
– Để bạn hiểu 3 lĩnh vực này làm gì? Để khi nhận yêu cầu của khách hàng/sếp, bạn biết là họ muốn làm gì và bạn cần làm gì để thực hiện yêu cầu đó? Thực tế không ít khách hàng/sếp không hiểu hoặc hiểu sai bản chất của 3 lĩnh vực kia, nên nhiều khi họ muốn cái này nhưng lại làm cho người viết hiểu thành cái kia. Kết quả là họ không chấp nhận sản phẩm mà bạn làm ra.
– Để không hiểu sai yêu cầu của khách hàng/sếp. Dù viết Content Marketing chỉ có 1 phần cảm hứng, cảm xúc nhưng nếu hiểu sai thì bạn sẽ phải viết lại từ đầu – một việc mà không ai mong muốn!
Dù đã hoạt động nhiều năm trong nghề viết, nhưng mỗi lần làm việc với khách hàng/đối tác mình luôn phải cụ thể hoá yêu cầu của họ và yêu cầu họ xác nhận lần lượt từng yêu cầu/đầu việc. Dù hơi mất thời gian một chút, nhưng mình thấy đây là công đoạn rất cần thiết để mình và khách hàng/đối tác hiểu nhau hơn. Kết quả của việc làm này là sản phẩm chất lượng như khách hàng/đối tác mong muốn và không mất thời gian để xử lý rủi ro vì hiểu sai mong muốn của nhau. Mình tin rằng, bạn cũng vậy.
2. So sánh nội dung trong Quảng cáo – Marketing – Truyền thông
Vì chúng ta đang học lớp Content Marketing nên mình chỉ tập trung phân tích nội dung được truyền tải ở 3 lĩnh vực này thôi nhé!
Điểm giống nhau trong nội dung của 3 lĩnh vực này là đều truyền đi một thông điệp, thông tin. Điểm khác nhau giữa chúng là cách thông điệp, thông tin được gọi tên và truyền đi. Cụ thể như sau:
2.1 Nội dung trong Quảng cáo
Hãy kể tên và nói điều mà bạn nhớ về 3 quảng cáo gần đây nhất mà bạn xem/nghe/nhìn thấy. Ok, nếu bạn chưa nhớ ra thì mình sẽ lấy ví dụ về một số sản phẩm dầu gội đầu nhé!
– Khi nhắc đến thương hiệu Tresemme, có phải bạn nhớ ngay đến cụm từ “chuẩn salon tại nhà” đúng không?
– Khi nhắc đến thương hiệu Sunsilk, có phải bạn nhớ ngay đến cụm từ “mượt” và “óng mượt”, “mềm mượt”, đúng không?
– Khi nhắc đến thương hiệu Clear, có phải bạn nhớ ngay đến cụm từ “trị gàu” đúng không?
– Khi nhắc đến thương hiệu Dove, có phải bạn nhớ ngay đến cụm từ “phục hồi hư tổn” đúng không?
– Khi nhắc đến thương hiệu Pantene, có phải bạn nhớ ngay đến cụm từ “bảo vệ tóc từ gốc đến ngọn” đúng không?
…
Hãy nhớ lại cảm giác lần đầu tiên bạn nghe đến những cụm từ “chuẩn salon tại nhà”, “mượt”, “trị gàu”, “phục hồi hư tổn”, “bảo vệ tóc từ gốc đến ngọn”,… Bạn có tin những cụm từ đó không? Sau 10 lần nghe những cụm từ ấy, bạn đã tin chưa?
Sau nhiều lần nghe những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong các quảng cáo ấy, có thể bạn vẫn không tin nhưng chắc chắn bạn sẽ nhớ. Nhớ vì cái cụm từ ấy nó gây cho bạn ấn tượng nhất định.
Ấn tượng nàt có được chính là do thông điệp, thông tin bị làm quá lên, bị thổi phồng lên. Chất lượng sản phẩm đạt 6 điểm, nhưng thương hiệu nói thành 9-10 điểm. (Có lẽ chính vì chất lượng sản phẩm chỉ được 6 điểm, mà nói lên 9-10 điểm nên người xem mới không tin vào các thông điệp này. Không tin nhưng không có nghĩa là không mua sản phẩm).

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Mình thường lấy hình ảnh trang điểm của diễn viên tuồng để minh hoạ cho ấn tượng mà quảng cáo để lại cho người xem. Làm “đậm” để gây ấn tượng!
Bonus: Để hiểu thêm về quảng cáo, hãy đọc cuốn “Quảng cáo không nói láo” của anh Hồ Công Hoài Phương.
2.2 Nội dung trong Truyền thông
Nếu như thông tin, thông điệp trong nội dung quảng cáo được làm “đậm” lên để gây ấn tượng thì thông tin, thông điệp trong nội dung truyền thông lại “vừa đủ” để tạo sự tin tưởng.
Sự tin tưởng có được chính là do thông tin, thông điệp được nói ra 1 cách “vừa đủ”, cân xứng với mức độ định lượng chất lượng trong lòng người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm đạt 6 điểm và thương hiệu nói lên 7-8 điểm thôi. Vì cách truyền tải thông tin, thông điệp “vừa đủ” nên không được ấn tượng sâu đậm cho người xem nhưng sẽ giúp củng cố niềm tin, lòng tin của khách hàng với thương hiệu, giúp mang lại giá trị dài lâu.
Ngoài ra, các ấn phẩm truyền thông thường được đăng tải lên báo chí nên thông tin, thông điệp cần “vừa đủ” để phù hợp với độc giả của tờ/trang báo đó, để nhiều người tiếp cận được thông tin, thông điệp đó nhất.

Nguồn hình: Internet
Mình thường lấy hình ảnh trang điểm của bạn nữ theo style tự nhiên để minh hoạ cho sự “vừa đủ” này. Cái gì đẹp rồi tô thêm một chút để làm điểm nhấn, cái gì bình thường thì tô thêm một chút cho đẹp!
Bonus: Để hiểu thêm về truyền thông, hãy đọc cuốn “Tôi PR cho PR” của chị Dili.
2.3 Nội dung trong Marketing

Trên Google, có khoảng 42.100.000 kết quả khi ta mình tìm kiếm “marketing là gì” và 16.300.000 kết quả khi ta tìm kiếm “định nghĩa marketing”. Với mình, định nghĩa của Philip Kotler – cha đẻ của ngành Marketing hiện đại là giá trị nhất.
Marketing là gì: Nghệ thuật tạo ra giá trị, truyền thông và phân phối những giá trị đó nhằm thỏa mãn vấn đề của khách hàng mục tiêu để đem lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp.
(Theo cách dịch của Vinalink)
(Nguyên bản định nghĩa tiếng Anh như sau: “The science and art of exploring, creating, and delivering value to satisfy the needs of a target market at a profit”)
Nói như vậy có nghĩa là, nội dung trong Marketing sẽ mang những giá trị nhằm thoả mãn vấn đề của khách hàng mục tiêu, rồi dẫn dắt khách hàng mục tiêu biết – quan tâm – nhớ – có nhu cầu và sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Marketing nói những gì khách hàng mục tiêu muốn nghe, muốn biết nên họ sẽ bị dẫn dắt từ lúc nào không biết. Chính họ cũng không biết mình có suy nghĩ/ý niệm như vậy từ bao giờ.

Sẽ khá khó để những “tấm chiếu mới” nhìn thấy rõ sự giống và khác nhau giữa nội dung của Quảng cáo, Marketing, Truyền thông qua phần trình bày này. Do đó, sau khi kết thúc bài giảng này mình chỉ cần bạn nhớ được những thông tin mình đưa ra trong hình 1. Sau đó, trong quá trình học và làm việc sau này, bạn dành chút thời gian để quan sát rồi so sánh, đối chiếu với những thông tin trong hình 1 để thấy rõ hơn sự khác biệt này nhé!
Xem bài học trước: Tư duy nội dung
Em đã mường tượng ra sự khác nhau giữa 3 mảng này, mặc dù chúng đều có 1 nét chung là muốn truyền đạt 1 điều gì đó về dịch vụ, sản phẩm cho người nghe, cho khách hàng, nhưng mục đích truyền đạt lại khác nhau. Vì trước kia em cũng từng làm trong lĩnh vực chạy quảng cáo nên em hiểu rõ nhất về nội dung quảng cáo, luôn có gì đó hơi quá sự thật, quá với giá trị thực của sản phẩm, hơn nữa nếu dùng những ngôn từ hoa mỹ thì đúng là khiến người xem dễ lạc vào thế giới ” ảo ” về thông tin sản phẩm