Tư duy nội dung
“Làm sao để viết đúng?” là một câu hỏi rất thực tế.
Để viết đúng 1 trong 5 thứ cần-đúng trên, có vẻ sẽ dễ dàng hơn cho bạn. Thế nhưng, để viết đúng được cả 5 thứ này, bạn cần có tư duy nội dung.
Vậy tư duy nội dung là gì?
Tóm tắt bài học
1. Tư duy nội dung là gì?
Tư duy nội dung là nội dung đầu tiên chúng ta sẽ học trong khoá “Viết đúng rồi sẽ hay” này. Với mình, đây là phần rất quan trọng khi làm nghề Marketing nói chung và Content Marketing nói riêng. Thế nhưng nó lại thường bị các bạn newbie – những tấm chiếu mới bỏ qua.

Vì đây là phần quan trọng nhưng các bạn bỏ qua nên sau một thời gian làm nghề, bạn sẽ tự đặt cho mình 1 loạt các câu hỏi nhưng không thể tự mình đưa ra lời giải đáp. Một trong số đó là:
– Mình viết như vậy có đúng không nhỉ?
– Mình viết vậy người đọc có thấy hay không nhỉ?
– Có cách nào để viết tốt hơn không nhỉ?
… Đây chính là lúc, bạn nên quay lại bước đầu tiên: tư duy nội dung. Tư duy nội dung sẽ giúp bạn hệ thống lại những việc đã – đang – sẽ làm theo một trình tự nhất định. Qua đó, giúp bạn hiểu lý do tại sao bạn cần làm vậy.
Còn với những bạn đang đi bước những đầu tiên trong nghề viết, được tiếp cận loại tư duy này trong giai đoạn đầu tiên sẽ giúp bạn có sự nhận thức khái quát những gì đang diễn ra xung quanh, để từ đó hình thành khả năng suy nghĩ, xem xét, giải quyết những vướng mắc trong lòng, trong câu chữ.
Tư duy nội dung là khả năng khái quát những gì mà Marketing đang vận hành, để từ đó có khả năng xem xét, hiểu, lập kế hoạch và “làm theo” những gì mà những người khác đang làm, để đạt được hiệu quả cao trong công việc. Khi có tư duy content, trước khi viết bài, bạn sẽ biết: (1) Viết cho ai xem, (2) Viết để làm gì, (3) Viết như thế nào cho dễ hiểu. 3 điều này cũng chính là những gì Bác Hồ đã nói về viết.
Tư duy nội dung khá khó hình dung như những dạng tư duy khác. Tuy nhiên, chỉ cần để ý thêm 1 chút, quan sát thêm 1 chút, ghi chép thêm 1 chút, nhớ thêm 1 chút và tò mò thêm 1 chút, thì sau 1 khoảng thời gian (khoảng 3 – 6 tháng) bạn sẽ cảm nhận và hình dung được nó.
2. Có tư duy nội dung, bạn được gì?
Bạn sẽ được 4 thứ sau khi có tư duy làm nội dung:
– Bạn hình dung ra những việc cần làm và cách làm từng việc để đạt được mục tiêu
– Bạn hình dung được những khó khăn, sự cố và lên phương án xử lý chúng để đạt được mục tiêu
– Bạn hiểu người dùng cuối End user và hình dung được sản phẩm nội dung sau khi ra mắt sẽ tác động đến họ như thế nào
– Sau khi hoàn thành bài viết/chiến dịch/kế hoạch kết thúc, bạn phân tích được điểm nào phù hợp và không phù hợp, không phù hợp thì cần khắc phục như thế nào,… Cứ mỗi lần kết thúc quá trình này, bạn sẽ rút ra cho mình một vài kinh nghiệm hay điểm lưu gì đó.
Thêm vào đó, khi có tư duy nội dung, bạn đoán biết được thương hiệu mình thích/đối thủ của mình muốn hoặc đang làm gì. Đây là một trải nghiệm rất hay ho và vô cùng thú vị của những người làm nội dung nói riêng và Brandname nói chung. Vẫn biết rằng, những gì chúng ta thấy ở thương hiệu chỉ là vẻ bề ngoài, cũng giống như chúng ta chỉ nhìn thấy một mặt của quả cam, nhưng không phải vì thế mà nó không chứa thông tin hoặc thông tin không có giá trị. Những điều bạn đoán biết được thể đúng hoặc không nhưng mình tin rằng, khi bạn quan sát và tìm hiểu nó bạn đã thu lượm được nhiều thứ cho mình.
3. Lập dàn ý và kế hoạch nội dung có phải là tư duy nội dung không?
Đến đây có thể bạn đang tự hỏi: “Lập dàn ý và lên kế hoạch nội dung có phải là một phần của tư duy nội dung không?”.
Đúng vậy, chúng là một phần của tư duy về nội dung. Nhưng tư duy nội dung thì rộng hơn thế rất nhiều. Tuy nhiên, đây chính là bước đầu tiên để tiếp cận thứ tư duy trừu tượng này.
4. Tại sao cần vừa học tư duy nội dung vừa học viết?
Vì bạn đang học ở lớp học viết nên mình sẽ giúp bạn hình thành tư duy nội dung trong quá trình học viết. Bạn có thể quan sát sự tiến bộ của tư duy nội dung khi tự trả lời được 1 vài câu hỏi dưới đây:
- Tại sao người ta lại viết như thế và nếu là mình, thì mình nên viết như thế nào?
- Tại sao họ lại chọn đó là điểm USP và nếu là mình, thì mình chọn cái gì?
- Tại sao họ lại dùng dạng bài đó?
5. Học tư duy nội dung như thế nào?
Để có tư duy nội dung, bạn cần làm 3 việc sau hàng ngày trong ít nhất 3 tháng:
- Quan sát và ghi nhớ
- Tổng hợp thông tin và phân tích chúng
- So sánh và chiêm nghiệm
Ví dụ: Bạn đang muốn học viết bài Fanpage Facebook
Bài Fanpage Facebook sẽ được đăng trên Facebook.
=> Khi lướt Facebook (trên mobile và desktop), bạn sẽ quan sát tất cả Facbook bạn nhìn thấy trên tường của mình. Bạn quan sát của post ở Facebook cá nhân (Facebook Profile) và Fanpage Facebook.
![]() |
![]() |
![]() |
(Mình không nhận xét bài viết hay hay dở, cũng không nói bài viết đúng và sai. Những nội dung minh hoạ bên mình lấy ngẫu nhiên trên Facebook của mình để học viên thực hành kỹ năng quan sát)
=> Sau một thời gian quan sát và so sánh chúng, bạn sẽ thấy gì? Chúng có những điểm chung nào?
Phải là chúng đều hiển thị vài dòng trước chữ “xem thêm” đúng không?
Vậy cần viết gì trước chữ “xem thêm” để nhiều người đọc post đó?
Cần viết nội dung trước chữ “xem thêm” như thế nào để thu hút người đọc click vào chữ “xem thêm”?
Dần dần bạn sẽ tìm được câu trả lời!
Mọi thứ được sử dụng trong Content đều có tính quy luật. Tức là ý tưởng, hình ảnh, câu từ, đường nét trong thiết kế,… bạn gặp/nhìn thấy tới lần thứ 2 thì bạn nên ghi nhớ nó. Vì biết đâu đấy là cách người ta đang làm với lĩnh vực đó/đối tượng đó.
Hãy nhìn các hình ảnh dưới đây mà bạn có thấy, tất cả các hình này đều sử dụng font chữ không có chân không? Tại sao họ lại dùng font này nhỉ? Font chữ này có giúp người đọc lướt mắt nhanh hơn không?
![]() |
![]() |
![]() |
(Mình không nhận xét bài viết hay hay dở, cũng không nói bài viết đúng và sai. Những nội dung minh hoạ bên mình lấy ngẫu nhiên trên Facebook của mình để học viên thực hành kỹ năng quan sát)
Bên cạnh việc quan tâm những dạng Content “hữu hình”, bạn cũng cần để ý đến những gì xảy ra trong tầm mắt của bạn. Ví dụ như:
– Thay vì thở dài vì gặp đèn đỏ thì ngó xem quán bún cạnh chỗ mình đứng có đông không? Rồi nhớ lại hôm qua quán có đông không? Hôm kia quán có đông không? Rồi thử đoán xem ngày mai quán có đông không?
– Tới cái đèn đỏ tiếp thì đọc cái biển quảng cáo trước mắt, coi có từ nào/thông điệp nào hay ho? Rồi tự trả lời xem tại sao nó lại hay ho thế nhỉ?
Chắc chắn bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều hay ho lắm đấy!
Ngoài ra, quan sát ở đây cũng có nghĩa là quan sát chính bản thân bạn. Hôm nay bạn cảm thấy thế nào? Tại sao bạn lại có cảm xúc vậy? Bạn làm thế nào để thoát ra cảm xúc đó? Đạo Phật gọi đó là quán chiếu, tức là tự nhìn nhận mọi thay đổi trong thân – tâm của bạn. Việc quán chiếu này, giúp bạn hiểu về những gì đang diễn ra trong bạn, và hiểu tại sao một số người lại có hành động/suy nghĩ như vậy. Đây có thể xem là bước khởi đầu để hiểu insight.
Thực hiện 3 việc trên hàng ngày sẽ giúp bạn có thêm những mảnh ghép nhỏ trong bản đồ tư duy. Việc này tương tự như “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Mình biết việc này không những khá khó mà còn dễ nản, nhưng bạn cứ làm đi vì có xuất phát mới mong có ngày đến đích. Nếu bạn muốn gắn bó với nghề viết, hãy cố gắng xây dựng tư duy nội dung. Vì thứ tư duy trừu tượng này chính là thứ giúp bạn đi nhanh và xa hơn trong nghề này đó!
Tư duy nội dung được xem như là chìa khóa của nghề content vậy, em cũng hiểu được tầm quan trọng của nó. Gần đây em cũng có hay thực hành quan sát nhiều hơn, sống chậm hơn 1 chút, thử làm cái gì đó khác đi thay vì cứ làm những điều cũ như 1 thói quen. Đúng là tư duy thật trừu tượng, cũng giống như nội lực của con người vậy.