Mình đã viết bài blog về chọn nghề này khá lâu và đã đăng trên website cũ. Nay mình update bài viết và repost để các bạn cùng đọc. Mình mong rằng, nhiều bạn sẽ đọc được bài viết này trước khi nhảy việc!
Nói đi nói lại thì mình vẫn thấy nền giáo dục Việt Nam hơi kỳ. “Kỳ” tức là đi ngược lại với thế giới. Không hẳn cái gì của thế giới cũng tốt nhưng trong trường hợp này thì mình chắc chắn rằng: THẾ GIỚI TỐT! Đầu tiên người ta xác định mục tiêu cuộc đời -> Chọn nghề -> Chọn ngành -> chọn ngành học cho phù hợp.
Trào lưu “Hãy theo đuổi đam mê” đã đến hồi kết. Mình cảm thấy vui vì điều này! Vì trẻ quá, làm sao biết mình đam mê cái gì. Cũng vì trẻ quá, ít kinh nghiệm thực tế nên không thể lường trước những được khó khăn nếu theo đuổi đam mê. Câu chuyện ấy sẽ càng bi đát hơn khi chọn sai “đam mê”. Theo kinh nghiệm của mình, cái khó trong tưởng tưởng chỉ là 1/1000 của thực tế mà thôi!
Vậy giáo dục Việt Nam thì kỳ vậy, trào lưu thì như vậy… chúng ta nên chọn nghề như thế nào? Nếu chưa tìm ra mục đích sống của mình thì chọn nghề như thế nào? Dưới đây là một vài quan điểm của mình, mình mong nó sẽ giúp ích cho bạn:
– Chọn nghề là chọn “cái mình thích” hay “cái mình có khả năng làm tốt khi phải làm hàng ngày”?
Khi ra trường, ai cũng phải tìm cho mình công việc phù hợp, ít nhất là làm được và lương đủ trang trải cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Nhiều bạn chọn nghề viết vì nghĩ rằng mình được. Để theo được nghề viết, bạn phải “viết tốt” và “viết được hàng ngày”. “Viết tốt” là kỹ năng để làm việc, còn “viết được hàng ngày” là điều sẽ giúp bạn đi nhanh và xa hơn trong nghề này.
Tại sao không chọn “cái mình thích”? Vì có thể bạn đang hiểu nhầm thích-là-đam-mê hoặc hành-động-thích của bạn là: thi thoảng viết 1 vài bài nên thấy có hứng thú. Chọn nghề Content Marketing là phải viết hàng ngày với cường độ cao và nhiều áp cao. Nếu bạn chọn nghề viết vì thích bạn có chịu được cường độ làm việc và áp lực như vậy không? Hãy xem lại thật kỹ điểm này nhé!
Nếu 2 cái là “cái mình thích” và “cái mình có khả năng làm tốt khi phải làm hàng ngày” gặp nhau ở cùng 1 điểm thì bạn cứ tiến đi lên, không phải đắn đo gì nữa!
Nghe thêm: Học gì để không thất nghiệp? – Đu Đồ Đút
– Nếu không biết mình thích gì và có khả năng làm gì thì cứ thử mọi cơ hội mà cuộc đời cho bạn.
Khi được nhận cơ hội, hãy thực hiện quá trình “thử chọn”. Quá trình này như sau: thử chọn -> làm -> sai thì sửa -> sai thì chọn lại cho đến khi nào đúng thì thôi. Nếu bạn chọn nghề làm xong thấy thích, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng thì bạn chọn đúng nghề rồi đấy. Còn nếu mới làm được mấy ngày; đến giờ đi làm liền sinh bệnh và chỉ mong đến giờ về thì bạn nên “thử chọn” lần nữa.
Nghe thêm: Cứ thử làm đi – Nguyễn Hương Thảo
– Nếu bạn muốn nhảy việc/đổi nghề thì nên chuẩn bị trước những thứ sau:
- Tài chính: Đây là thứ đầu tiên bạn cần chuẩn bị. Nếu bạn nhận được việc làm mới và phù hợp ngay nghỉ việc thì bạn quả là một người may mắn. Còn nếu bạn chưa bao giờ được gặp “thần may mắn” thì hãy chuẩn bị 1 khoản tiền đủ để sống từ 2-4 tháng. Có tiền dự phòng sẽ giúp tỉnh táo hơn và không đi vào vòng luẩn quẩn của việc “hết tiền”.
- Sự động viên của người thân: Đây được xem là động lực tinh thần. Nhảy việc/đổi nghề bao giờ cũng gặp nhiều áp lực, mệt mỏi. Nếu nhận được sự động viên của người thân thì tốt biết bao. Còn nếu không thì bạn phải chấp nhận thôi vì đây là quyết định của bạn mà!
- Kỹ năng của nghề mới, việc mới: Muốn có kỹ năng về nghề mới thì bạn nên tham gia vào hội nhóm của chuyên môn; đầu tư một khoá về nghề đó hoặc follow người có kinh nghiệm. Để gắn bó được với nghề mới, việc mới này, bạn cần biến nó thành “cái mình có khả năng làm tốt khi phải làm hàng ngày”.
Dù bạn đến nghề mới bằng lý do gì thì hãy cố gắng trở thành người có quyền lựa chọn. Khi đó bạn sẽ làm chủ đời mình và quyết định mọi thứ liên quan đến cuộc sống của mình. Chúng mình không có quyền quyết định mình sinh ra ở đâu, xuất phát điểm như nào nhưng mình có quyền chọn mọi thứ tốt đẹp hơn. Mình ở đây: mình sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ các bạn!
Chừng nào bạn thiệt giỏi nghề thì nghề sẽ chọn bạn – như định mệnh vậy! Hãy trở thành một người giỏi nghề trong vòng 5 năm tới, còn bây giờ hãy chủ động chọn nghề nhé!
Bonus: Để kết bài viết này thêm nhiều gia vị, mình trích dẫn câu hát mà mình khá thích: “Cuộc đời là mâm cơm nhiều món, ta nấu cho mình chứ ai đâu. Đã mất công vo những vò gạo, ai chẳng mong thành cơm ngọt mai sau.” – “Hát cho đời và hát cho em” (Thơm, Đen, Long, Thỏ). Chúc chủ động!
(Link để nghe nhạc: https://soundcloud.com/jgkid/hat-cho-doi-va-hat-cho-em-thom-den-long-tho)
Note: Toàn bộ hình ảnh mình đều sử dụng nguồn trên internet, nếu vi phạm bản quyền các bạn vui lòng nhắn cho mình, mình sẽ gỡ hình ảnh xuống ngay khi nhận được thông tin!
Pingback: 5 điều cần thực hiện để đi “đường dài” với nghề Content Marketing